Năm 1903 người Pháp thi công xong cầu Ghềnh và thông xe lửa tuyến Sài Gòn – Biên Hòa. Tại Tỉnh lỵ Biên Hòa lúc này đã có một số cơ quan cai trị của Pháp như Tòa bố, Trạm điện tín, Thành kèn … Đã có một số người Pháp và quan lại tay sai làm việc ở lại Biên Hòa. Đồng thời thương nhân buôn bán người Việt và người Hoa tập hợp tại vùng chợ cũng khá đông đúc. Do đó, người Pháp đã đặt máy lô cốt phát điện và khoan một số giếng khoan để cấp điện, nước cho các cơ sở làm việc và trại lính.
Giai đoạn 1920-1921 đã có một số đường ống nước kéo dài để bán cho dân và thương nhân quanh khu chợ Biên Hòa.
Giai đoạn 1928-1930 người Pháp đã cho xây dựng nhà máy nước với công suất là 1.450 m3/ngày tại Biên Hòa lấy tên là Sở máy nước Biên Hòa. Hệ thống cấp nước này hoạt động chủ yếu phục vụ cho các cơ quan cai trị hành chánh của Pháp và một số ít dân cư của Trung tâm thành phố Biên Hòa, đến năm 1958 tại Biên Hòa có khoảng 295 đồng hồ nước và 16 vòi nước công cộng.
Năm 1967 cơ quan viện trợ của Chính phủ Úc tài trợ xây dựng thêm một cụm xử lý mới với công suất 15.000 m3/ngày, tổng công suất tổng cộng là 16.500 m3/ngày. Tên chính thức từ thời điểm này đến năm 1975 là Biên Hòa Thủy Cục. Biên Hoà Thuỷ Cục chịu sự quản lý của Nha Cấp thủy thuộc Bộ Công Chánh (còn gọi là Sài Gòn Thuỷ cục, là cơ quan quản lý chung cho các nhà máy nước ở Miền Nam thời bấy giờ).
Ngày 14/3/1977, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 254/QĐ về việc thành lập Công ty Khoan Cấp nước trực thuộc Ty Xây dựng Đồng Nai. Công ty Khoan Cấp nước quản lý toàn bộ hệ thống cấp nước của tỉnh Đồng Nai gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, thị xã Bà Rịa và thị xã Vũng Tàu.
Kể từ dấu mốc này, Công ty tiếp tục trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mang các tên gọi theo mô hình hoạt động khác nhau.