Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Đồng Nai, dự kiến năm 2026 sẽ đưa vào khai thác. Một trong số hạ tầng cần đi trước một bước đó là nước sạch.
Hiện hạ tầng đường ống, nguồn nước đã sẵn sàng cho công trình trọng điểm này.
Thi công Dự án Tuyến cấp nước cho Sân bay Long Thành. Ảnh: H.Lộc
Đường nước đã đến ranh sân bay
Nước sạch, điện, giao thông kết nối là những hạ tầng cần phải hoàn thành trước khi sân bay đi vào hoạt động, bởi nó sẽ phục vụ cho quá trình thi công, hoạt động của sân bay sau này. Do đó, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai chọn Dự án Tuyến ống cấp nước cho Sân bay Long Thành là dự án ưu tiên phải hoàn thành trong năm 2024.
Trưởng ban Quản lý dự án Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Lê Thành Trung cho biết, Dự án Tuyến ống cấp nước cho Sân bay Long Thành được công ty chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đến tháng 6-2022 thì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP có văn bản chấp thuận hướng tuyến đường ống, vị trí đấu nối và lưu lượng nước cấp cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tiếp đó, công ty thực hiện các thủ tục và được Bộ Giao thông vận tải đồng ý việc triển khai dự án trong phạm vi kết cấu bảo vệ Dự án Đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; huyện Long Thành đồng ý thỏa thuận hướng tuyến, vị trí lắp đặt tuyến ống cấp nước HDPE OD560 trên địa bàn xã Long An.
Đầu tháng 5-2024, Dự án Thi công xây lắp tuyến ống cấp nước cho Sân bay Long Thành chính thức khởi công. Đây là dự án thuộc nhóm C, loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, có chiều dài hơn 5,6km và tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã thi công được khoảng 90% khối lượng, đường ống cấp nước đã đến ranh sân bay.
Đại diện nhà thầu thi công dự án, Công ty CP Xây dựng TNG cho rằng, nếu không vướng mặt bằng vị trí vòng xoay giao nhau của tuyến đường T1, T2 với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thì dự án đã về đích từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan về mặt bằng và thời tiết mưa nhiều nên dự án chậm hơn so với dự kiến. Nhà thầu đã kiến nghị và phía Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đang xem xét thời gian gia hạn cho phù hợp.
Cán bộ Ban Quản lý dự án Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Nguyễn Duy Cương cho biết thêm, quá trình triển khai dự án nói trên, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông đã phối hợp, hỗ trợ công ty rất nhiều. Đây là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo tiến độ dự án, hoàn thành dự án cấp nước, đồng thời góp phần để Sân bay Long Thành có thể hoạt động đúng kế hoạch năm 2026.
Tiếp tục phát triển mạng lưới, nguồn nước cấp
Dự án nói trên hoàn thành sẽ cung cấp cho Sân bay Long Thành 10 ngàn m3 nước/ngày trong giai đoạn 1. Sau đó, tùy theo công suất sử dụng của công trình, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai sẽ nâng dần công suất lên đến 36 ngàn m3/ngày. Nguồn nước thô được lấy từ sông Đồng Nai, xử lý tại Nhà máy Nước Thiện Tân, qua hệ thống đường ống gang D800. Công ty CP Cấp nước Đồng Nai sẽ làm hạ tầng cấp nước đến ranh sân bay, trong phạm vi sân bay phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP sẽ thực hiện theo thiết kế.
Hiện tại, còn khoảng 40m băng qua đường gom Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu phải thi công đường rồi mới lắp đặt được đường ống nước nên tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc vào tiến độ thi công tư dự án giao thông. Phía Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 85 hỗ trợ thi công trước đoạn đường này để hoàn thành Dự án Tuyến ống cấp nước cho Sân bay Long Thành.
Công ty CP Cấp nước Đồng Nai hiện cung ứng nước máy sinh hoạt, sản xuất cho 10/11 huyện, thành phố của tỉnh (trừ huyện Thống Nhất). Để tiếp tục đảm bảo nguồn và chất lượng nước cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; gia tăng tỷ lệ sử dụng nước máy theo Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn tới, công ty sẽ đầu tư phát triển mạng lưới đường ống, nâng công suất các nhà máy xử lý nước.
Cụ thể, về nguồn nước sẽ cải tạo và xây dựng mới các nhà máy nước để nâng công suất từ hơn 448 ngàn lên hơn 867 ngàn m3/ngày. Trong đó, có cải tạo Nhà máy Nước Thiện Tân và Nhà máy Nước Nhơn Trạch để nâng công suất từ 300 ngàn lên 600 ngàn m3/ngày, nâng công suất Nhà máy Nước Biên Hòa từ 36 ngàn lên 48 ngàn m3/ngày, Nhà máy Nước Hóa An từ 15 ngàn lên 30 ngàn m3/ngày… Xây dựng mới nhà máy và hệ thống cấp nước tại huyện Cẩm Mỹ công suất 12 ngàn m3/ngày, Nhà máy Nước hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc) công suất 10 ngàn m3/ngày, Nhà máy xử lý nước mặt hồ Suối Tre công suất hơn 8 ngàn m3/ngày…
Về mạng lưới đường ống, tiếp tục mở rộng các tuyến ống truyền tải và phân phối theo kế hoạch phát triển vùng cấp nước. Phương án là đối với các tuyến ống chính dọc trục đường chính, công ty sẽ đầu tư toàn bộ, riêng tuyến ống nhánh công ty hỗ trợ đầu tư một phần còn kêu gọi xã hội hóa.
Công ty kiến nghị tỉnh chấp thuận hồ sơ thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn tỉnh; xét hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày
17-4-2018 của Chính phủ và Quyết định 35/2021/QĐ-UBND ngày 16-8-2021 của UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước cấp.
Hoàng Lộc